Câu hỏi 1: Tên miền là gì? Giữa tên miền và thương hiệu có liên quan như thế nào?
Tên miền internet - theo TT09/2008/TT-BTTTT: là tên được sử dụng để định danh địa chỉ Internet của máy chủ gồm các dãy ký tự cách nhau bằng dấu chấm “.”.
Còn thương hiệu - theo định nghĩa của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO: là một dấu hiệu đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hoá hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức.
Như vậy, tên miền và thương hiệu là hai khái niệm hoàn toàn độc lập với nhau. Tên miền không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ. Nhưng, trên thực tế, thương hiệu bảo vệ công việc kinh doanh trong xã hội thực còn tên miền bảo vệ thương hiệu trong xã hội ảo trên mạng internet. Như vậy đăng ký tên miền có thương hiệu thực chất cũng là bảo vệ công việc kinh doanh của mỗi chủ thể.
Câu hỏi 2: Cá nhân được đăng ký dưới những nhóm tên miền nào?
Cá nhân được đăng ký tên miền dưới .com.vn; .biz.vn; .net.vn; .edu.vn; .pro.vn; .health.vn; .name.vn; .ac.vn; .info.vn và một số trường hợp đặc biệt theo tên địa danh nơi họ sống và làm việc.
Câu hỏi 3: Ðịa điểm đăng ký tên miền .VN?
Đăng ký tên miền tại các Nhà đăng ký tên miền ”.vn”
Câu hỏi 4: Thời gian tiếp nhận hồ sơ?
1. Tùy theo khả năng triển khai, các Nhà đăng ký tên miền ”.vn” có thể thực hiện việc tiếp nhận các yêu cầu đăng ký ở mức 24h/24h vào tất cả các ngày và phải thông báo rõ thời gian tiếp nhận hồ sơ trên Website của mình cho các chủ thể đăng ký tên miền được biết.
2. Thời điểm xác định đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký để xác lập thứ tự xét cấp quyền sử dụng tên miền là thời điểm tên miền được nhập giữ chỗ nộp hồ sơ thành công trên Website của Trung tâm Internet Việt Nam đối với toàn bộ hệ thống các Nhà đăng ký tên miền ”.vn”.
Câu hỏi 5: Khi đăng ký tên miền tôi phải làm những thủ tục gì?
Bạn cần thực hiện các thủ tục sau:
1. Truy nhập Website của các Nhà đăng ký tên miền ”.vn” hoặc Website của VNNIC để kiểm tra tên miền mà bạn dự định đăng ký đã có ai đăng ký chưa để tránh bị trùng.
2. Lựa chọn một Nhà đăng ký tên miền ”.vn” trong hệ thống các Nhà đăng ký tên miền ”.vn” của VNNIC và liên hệ với Nhà đăng ký tên miền “.vn” đó để được tư vấn và hướng dẫn thủ tục đăng ký.
3. Hồ sơ đăng ký tên miền:
Hồ sơ đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” theo mẫu do Nhà đăng ký tên miền “.vn” quy định tại Website của Nhà đăng ký tên miền “.vn”, nhưng bắt buộc phải có các thông tin sau:
a, Đối với tổ chức:
· Thông tin về chủ thể: Tên, địa chỉ, số điện thoại, hộp thư điện tử.
· Thông tin về người quản lý và người quản lý kỹ thuật của tên miền.
· Thông tin về máy chủ DNS chuyển giao của tên miền.
b, Đối với cá nhân:
· Thông tin về chủ thể: Tên, năm sinh, địa chỉ, số giấy chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, số điện thoại, hộp thư điện tử.
· Thông tin về máy chủ DNS chuyển giao của tên miền.
Câu hỏi 6: Phí duy trì tên miền hàng năm phải được nộp tại đâu?
Bạn phải nộp phí duy trì tên miền tại Nhà đăng ký tên miền ”.vn” đang quản lý tên miền của mình.
Câu hỏi 7: Tôi có thể nộp phí duy trì và làm các thủ tục thay đổi tên miền tại VNNIC hay không?
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 08 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet, việc đăng ký và sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” thực hiện thông qua các Nhà đăng ký tên miền “.vn”. VNNIC không giao dịch trực tiếp với các chủ thể đăng ký sử dụng tên miền. Toàn bộ các tác nghiệp liên quan đến tên miền như đăng ký mới, thay đổi thông tin, thu nộp phí duy trì hàng năm được thực hiện tại các Nhà đăng ký tên miền ”.vn”. Vì vậy, bạn phải nộp phí duy trì tên miền và thay đổi thông tin của tên miền tại Nhà đăng ký tên miền ”.vn” đang quản lý tên miền của mình.
Câu hỏi 8: Lựa chọn tên miền có theo nguyên tắc nào không?
Tên miền là do bạn tự chọn, tuy nhiên để tên miền có ấn tượng và hiệu quả bạn nên chọn.
- Tên viết tắt của tổ chức, công ty.
- Tên thương hiệu của bạn.
- Tên sản phẩm của bạn.
Tên miền đăng ký có tối đa 63 ký tự ở mỗi cấp, sử dụng các ký tự từ A đến Z, a đến z, các chữ số từ 0 đến 9 và ký tự gạch ngang "-". Không sử dụng ký tự "-" ở đầu hoặc cuối tên miền.
Câu hỏi 9: Có hạn chế nào khi lựa chọn tên miền không?
Có. Các chủ thể không được sử dụng những nội dung sau đây trong tên miền đăng ký:
- Nội dung đi ngược lại với hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Nội dung xâm hại đến an ninh quốc gia hoặc xâm hại đến toàn vẹn lãnh thổ.
- Nội dung xâm hại đến truyền thống và lợi ích đất nước.
- Nội dung xúi giục bạo loạn hoặc gây mâu thuẫn giữa các dân tộc, xâm hại đến sự đoàn kết các dân tộc.
- Nội dung vi phạm chính sách tôn giáo của Đảng và nhà nước, tuyên truyền mê tín dị đoan.
- Nội dung gây tin đồn nhằm xâm hại đến trật tự xã hội hoặc ổn định xã hội.
- Nội dung tuyên truyền, phát tán văn hóa phẩm đồi trụy, khiêu dâm, cờ bạc, bạo lực.
- Nội dung xúc phạm, phỉ báng người khác hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác.
- Những nội dung khác bị pháp luật cấm.
Tên miền là tên gọi của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước chỉ dành cho tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước. Tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm đăng ký giữ chỗ với Trung tâm Internet Việt Nam để bảo vệ. Tổ chức, cá nhân khác không phải là đối tượng nêu trên không được đăng ký, sử dụng các tên miền này.
Câu hỏi 10: Chúng ta có rất nhiều trường học các cấp trùng tên nhau, làm sao các trường trùng tên đó có thể đăng ký tên trường mình sau edu.vn?
Theo hướng dẫn của Bộ GDÐT, cấu trúc tên miền của các trường phổ thông như sau.
loại trường - tên trường - địa danh.edu.vn trong đó:
1. Loại trường: là phần nằm trong tên chính thức của trường, dùng để chỉ cấp học, bậc học, phương thức đào tạo, hình thức sở hữu ... Do phần này có tính phổ biến rộng, các cụm từ chỉ cấp học, phương thức tổ chức học, loại hình sở hữu ngoài công lập ... nên viết tắt cho ngắn gọn như sau :
- Trường tiểu học (lớp 1 đến lớp 5): th
- Trường phổ thông cơ sở (lớp 1 đến lớp 9): ptcs
- Trường trung học cơ sở (lớp 6 đến lớp 9): thcs
- Trường phổ thông trung học (lớp 6 đến lớp 12): ptth
- Trường trung học phổ thông (lớp 10 đến lớp 12): thpt
- Trường dân tộc nội trú : dtnt
- Bán công: bc
- Dân lập : dl
- Tư thục : tt
- ... (viết tắt cho các loại trường khác khi có nhu cầu)
2. Tên trường: là tên riêng của trường, nên được viết đầy đủ. Ðối với tên trường quá dài có thể viết tắt một phần nhưng cần ở dạng dễ nhận biết.
Ví dụ : Trường trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai có thể viết: thpt-ntminhkhai
3. Địa danh: có hai trường hợp sau:
3.1 Ðối với các trường PTTH và THPT : địa danh = tên tỉnh, thành phố
Tên tỉnh, thành phành phố được viết đúng tên địa giới hành chính đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.
3.2 Ðối với các trường tiểu học, PTCS và THCS: địa danh = tên quận, huyện -tên tỉnh, thành phố
Tên quận, huyện có thể viết tắt khi quá dài, nhưng cần ở dạng dễ nhận biết. Việc này nên tham khảo ý kiến của các Sở GD&ÐT.
Cấu trúc tên miền như trên có thể sẽ dài nhưng dễ hiểu, dễ nhớ và thuận tiện cho người sử dụng khi tìm kiếm địa chỉ của các trường phổ thông trên Internet. Ví dụ cho một số trường trung học phổ thông cụ thể:
Tên trường Tên miền dự kiến
Trường THPT Lý Thường Kiệt, Hà Nội thpt-lythuongkiet-hanoi.edu.vn
Trường THPT Lý Thường Kiệt, Tây Ninh thpt-lythuongkiet-tayninh.edu.vn
Trường THPT Tân Châu, Tây Ninh thpt-tanchau-tayninh.edu.vn
Trường THPT Bán công Tân Châu, Tây Ninh thptbc-tanchau-tayninh.edu.vn
Ghi chú: Các tên tỉnh, thành phố quá dài bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thừa Thiên Huế được viết tắt theo quy định sau:
- Thành phố Hồ Chí Minh: tphcm
- Thừa Thiên Huế: tthue
- Bà Rịa - Vũng tàu: brvt.
Câu hỏi 11: Khi xảy ra tranh chấp liên quan đến tên miền .VN mà tôi cho là thuộc về tôi, liên quan tới công việc, thương hiệu, sản phẩm của tôi bị người khác đăng ký sử dụng, tôi phải làm thế nào ?
Luật Công nghệ Thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội đã quy định về các hình thức giải quyết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” như sau:
1. Thông qua thương lượng, hòa giải
2. Thông qua Trọng tài
3. Khởi kiện tại Tòa án
Các căn cứ, hình thức giải quyết tranh chấp tên miền cũng được quy định chi tiết tại Thông tư số 10/2008/TT-BTTTT ngày 24/12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam ".vn".
Theo quy định, VNNIC không có thẩm quyền giải quyết các trường hợp phát sinh tranh chấp tên miền. Các bên liên quan phải thống nhất để lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp tên miền.
Tuy nhiên xin lưu ý rằng: Như thông lệ chung quốc tế, việc đăng ký sử dụng tên miền được thực hiện theo nguyên tắc "Bình đẳng, không phân biệt đối xử" và "Đăng ký trước được quyền sử dụng trước". Do vậy nếu đăng ký sau, trước hết bạn nên đăng ký một tên khác tương tự mà vẫn bảo toàn được yêu cầu của mình bằng cách thêm chữ gợi nhớ, thêm dấu gạch ngang (-) hoặc đăng ký dưới tên một nhóm khác vì không gian tên miền còn có nhiều lựa chọn để tránh xung đột trên mạng.
Ví dụ : thanglong.com.vn có thể thêm là thang-long.com.vn hoặc thanglong.biz.vn hay cty-thanglong.com.vn v.v...
Câu hỏi 12: Làm thế nào để ngăn chặn và bảo vệ được công việc kinh doanh, thương hiệu, sản phẩm khỏi bị người khác gây khó khăn?
1. Thời gian : Bạn biết rồi đấy, nguyên tắc chung khi đăng ký tên miền là đăng ký trước được quyền sử dụng trước, nên khi bạn có ý tưởng đưa ra một sản phẩm nào hay đăng ký một thương hiệu nào là phải nghĩ ngay tới việc đăng ký tên miền liên quan, đừng để tới khi bạn chuẩn bị xong xuôi rồi mới đăng ký tên miền, lúc đó có thể bạn đã không còn tên miền đó nữa.
2. Ðăng ký nhiều tên miền theo kiểu "bao vây" để không ai có thể đăng ký tên miền giống của bạn cả cách viết lẫn cách đọc. Ví dụ : Trường hợp của Ngân hàng Hamburgische Landesbank đăng ký liền 7 tên miền tại cùng thời điểm:
hsh-nord-bank.com.vn
hsh-nordbank-ag.com.vn
hsh-nordbank.com.vn
hsh-northbank.com.vn
hshnordbank.com.vn
hshnordbankag.com.vn
hshnorthbank.com.vn
Rất nhiều công ty nước ngoài họ đã dùng theo biện pháp này, vì nếu có tranh chấp kiện tụng về 1 tên miền thì chi phí cho việc này ít nhất là 2500$US đủ để đăng ký và duy trì nó 70 năm trên Internet cộng thêm sự phiền toái bực mình, nên tốt nhất là họ giữ trước để không ai xâm phạm được.
Câu hỏi 13: Tôi phải trả bao nhiêu tiền khi đăng ký sử dụng tên miền?
Theo Quyết định số 28/2006/QĐ-BTC ngày 05/ 5/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính:
- Lệ phí đăng ký tên miền: 450.000 đồng (thu 1 lần khi ngay khi đăng ký).
- Phí duy trì tên miền (thu theo năm, có thể nộp theo từng năm hoặc một lần cho nhiều năm):
· Tên miền cấp 2 của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet: 24.000.000 đồng 1 năm.
· Tên miền cấp 2 khác: 600.000 đồng 1 năm.
· Tên miền cấp 3: 480.000 đồng 1 năm.
Câu hỏi 14: Khi thay đổi tên miền, tôi có phải trả phí không ?
Theo Quyết định số 28/2006/QĐ-BTC ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, phí thay đổi tên miền là 180.000 đồng cho một lần thay đổi sau:
a. Thay đổi địa chỉ IP của máy chủ lưu giữ tên miền.
b. Chuyển tên miền sang lưu giữ ở một máy chủ khác.
Nếu bạn thay đổi hoàn toàn tên miền: Trường hợp này tên miền cũ coi như bị huỷ bỏ. Bạn phải làm thủ tục đăng ký mới cho tên miền mới.
Những thay đổi về địa chỉ cơ quan, số điện thoại liên hệ, số tài khoản v.v.. không phải trả phí.
Câu hỏi 15: Khi tôi không còn nhu cầu sử dụng tên miền nữa, tôi có được trả lại tiền không, tôi có thể chuyển cho người khác sử dụng được không?
Phí tên miền được xem như một khoản thu thuế đóng cho ngân sách nhà nước do vậy khi bạn không sử dụng tên miền nữa bạn không được trả lại tiền mà bạn đã nộp và bạn cũng không chuyển được cho người khác sử dụng.
Câu hỏi 16: Các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị bao gồm: Ðảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, vv... chỉ được lưu giữ thông tin tại các máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam. Vậy, địa chỉ IP nào ở Việt Nam, làm sao phân biệt được?
Ðể biết thông tin chi tiết về các dải địa chỉ IP xin tra cứu tại đây.